Luân canh cây trồng - P2

Luân canh cây trồng - P2

Trần Minh Khang
Th 7 03/06/2023

LUÂN CANH CÂY TRỒNG – P2

Trong phần trước chúng ta đã biết cách luân canh cây trồng rồi, tuy nhiên đó chỉ là những kiến thức căn bản để giúp các bạn sẽ cơ bản nắm được kiến thức và góp phần tự đưa ra được những cây trồng vào vòng tròn luân canh của riêng mình. Trong bài hôm nay chúng ta sẽ đi vào những kiến thức luân canh chuyên sâu hơn, có những nhận định định và tầm nhìn mới thông qua những công thức luân canh được chứng minh sự hiệu quả rõ rệt từ lâu đời nay.

Luân canh chưa bao giờ là dễ nhưng cũng chưa bao giờ là khó cả. Mỗi một cấp bậc hay một trình độ canh tác sẽ có các phương pháp luân canh khác nhau. Chẳng hạn như người làm nông nghiệp bằng kinh nghiệm sẽ áp dụng mãi một công thức trong suốt nhiều năm. Người  có trình độ cao hơn một chút thì sẽ lại thay đổi công thức luân canh của mình theo giá thị trường nên sẽ có vụ được vụ mất theo giá cả thị trường (thông thường là được mùa thì mất giá), nhưng lại có những người thường xuyên thay đổi công thức luân canh thậm chí một mình trồng một loại cây mà không quan tâm tới thị trường hay những người xung quanh, tới khi thu hoạch thì cũng không cho lợi nhuận cao. Tại sao lại như vậy? Chúng ta sẽ cùng đi vào phân tích.

  1. Luân canh là kết hợp

Luân canh như đã nói là phương pháp thay đổi cây trồng trên cùng một diện tích đất canh tác. Vậy phải làm sao để luân canh hiệu quả hay là làm cách nào để cho các cây trồng trong chu trình luân canh phải có sự bổ trợ và nâng cao hiệu quả cho cây trồng sau.

luan canh cay trong.jpg

Hình ảnh: Vòng tròn luân canh

Các kiểu bổ trợ của cây trồng trước cho cây trồng sau hay có thể hiểu là cây  trồng sau sẽ được hưởng lợi từ cây trồng trước bao gồm:

  • Lợi ích về tăng dinh dưỡng
  • Lợi ích về giảm sâu hại
  • Lợi ích về giảm bệnh hại
  • Lợi ích về giảm cỏ dại
  • Lợi ích về kinh tế

Không phải mọi loại cây trồng khi kết hợp với nhau đều sẽ tạo ra những lợi ích này trong vòng luân canh, thậm chí còn có thể gây ra phản tác dụng cho cây trồng phía sau.

Các loại tác hại khi không áp dụng đúng loại luân canh thích hợp bao gồm:

  • Gây ra đất bị chai cứng, bạc màu, thiếu dinh dưỡng.
  • Làm tăng sâu hại.
  • Làm tăng bệnh hại.
  • Tăng có dại
  • Và giảm hiệu quả kinh tế.

Chúng ta sẽ cùng đi vào một số ví dụ thực tế:

Ví dụ 1: Chúng ta có công thức luân canh sau: Tháng 2 đến tháng 5 trồng lạc xuân, tháng 6 đến tháng 9 trồng đỗ tương hè, tháng 10-12 trồng khoai tây đông. Bây giờ chúng ta sẽ cùng nhau phân tích.

Vụ lạc xuân chúng ta sẽ lấy đó làm mốc và sẽ thấy rằng cây lạc là một cây có vi khuẩn cộng sinh cố định đạm. Do đó cây này là một loại cây trồng sẽ càng trồng càng làm tốt đất và lưu ý khi trồng cây này là nhu cầu dinh dưỡng của cây không cao đặc biệt là nhu cầu đạm do đó không bón đạm cho cây. Tuy nhiên nhu cầu canxi để tạo vỏ củ khá cao nên cần bổ xung cho cây. Do đó tới đây chúng ta sẽ có cây trồng đầu tiên là một loại cây sẽ bổ xung dinh dưỡng vào đất và do đó cây trồng sau cây lạc sẽ được hưởng lợi từ việc đất giàu dinh dưỡng này.

Tiếp theo là cây đỗ tương hè, đây cũng là một loại cây có khả năng cộng sinh với vi khuẩn cố định đạm và làm đất tơi xốp hơn, càng trồng đỗ tương đất càng tốt. Do đó cây trồng sau cây đậu tương cũng sẽ được hưởng lợi về dinh dưỡng.

Tuy nhiên cây đỗ tương và cây lạc là cùng họ với nhau, sâu hại và bệnh hại hại cây lạc đều sẽ có khả năng gây hại cho cây đậu tương. Vì vậy chúng ta sẽ tốn thêm rất nhiều chi phí thuốc phun để phòng trừ cho cây. Do đó đối với cây đậu tương mà nói thì cây lạc là cây chỉ có giá trị về tăng dinh dưỡng những lại có tác hại là tăng sâu bệnh hại cây.

Còn đối với cây cuối cùng là cây khoai cây, cây này là một loại cây có thời gian sinh trưởng tương đối ngắn và cần nhiều dinh dưỡng. Vừa hay thì đậu tương cũng là cây để lại dinh dưỡng trong đất và cây khoai tây đã được hưởng lợi từ việc để lại dinh dưỡng cho cây này. Ngoài ra sâu bệnh hại cây đậu tương cũng ít loài gây hại cho cây khoai tây cho nên vấn đề sâu bệnh hại từ cây đậu tương gần như không ảnh hưởng tới cây khoai tây. Tuy nhiên Cây khoai tây lại để lại rất nhiều cỏ dại và điều đó sẽ lại ảnh hưởng tới cây trồng tiếp theo của cây khoai tây về vấn đề cỏ dại.

Như vậy tới đây chúng ta đã thấy một vấn để của công thức này là có cây có lợi và có cây sẽ có hại trong cùng một công thức luân canh. Và đối với vị dụ này chúng ta đã thấy rằng việc trồng 2 cây dù khác nhưng cùng họ trong cùng một công thức luân canh là điều không hợp lý, chúng sẽ để lại tồn dư, mầm sâu, bệnh gây hại cho vụ sau. Việc làm này không những có thể sẽ không mang lại lợi ích nhiều mà thậm chí còn có thể gây giảm cũng như tổn thất về kinh tế. Việc luân canh các cây cùng họ này gặp rất nhiều tại các vùng trồng rau chuyên  canh như là trồng liên tục các cây thuộc họ thập tự (họ cải) với việc đổi  cây trồng từ trồng xà lách, xu hào, bắp cải, củ cải,…. Và liên tục  thay đổi các cây trồng cùng họ đó và nói rằng đó là luân canh. Đúng đó đúng là luân canh nhưng luân canh như vậy thì không khác nào chuyên canh một loại cây trồng cả. Trong công thức vừa rồi chúng ta nên điều chỉnh cây trồng vụ xuân đi sẽ hợp lý hơn, trồng một loại cây mà không phải cây họ đậu vào đầu công thức chẳng hạn như là cây bắp cải hoặc thay đổi cây đậu tương thành cây khác để không phải nhận tác động xấu từ cây lạc để lại như là cây bí đỏ.

Vậy công thức thích hợp trong trường hợp này sẽ là như sau:

Lạc xuân (hoặc đỗ tương xuân) -> Bí đỏ hè -> Khoai tây đông.

Tham khảo:

 Giống bí đậu

Cần nhớ rằng trong luân canh rất khó để đạt trạng thái tối ưu của các lợi ích sẽ mang lại cho cây trồng sau, vì thế hãy lựa chọn giảm rủi do cho cây trồng sau là tối ưu nhất.

  1. Luân canh phải sáng tạo

Không bó buộc luân canh với một công thức nhất định. Chẳng hạn như trường hợp trên rõ ràng chúng  ta có thể áp dụng mãi một công thức nhưng sẽ không cập nhật được thời thế thị trường và thời đại hoặc có thể đã lạc hậu.

Tỉ dụ như biến đổi khí hậu làm cho điều kiện tự nhiên của vùng thay đổi thì sẽ gặp phải tình trạng cây trồng đó sẽ không phù hợp trồng trong điều kiện đó hoặc giá cả thị trường quá thấp, không có đầu ra thì chúng ta cũng không nên cố đầu tư vào một loại cây trồng đó nữa. Lúc này chúng ta sẽ cần sự thay đổi.

Sáng tạo ngoài thể hiện ở việc thay đổi công thức luân canh ra thì còn thể hiện ở việc tư duy đổi mới, chẳng hạn như thay vì luân canh cây trồng hàng năm thì chúng ta có thể luân canh cây trồng lâu năm. Tuy trường hợp này ít nhưng chúng ta cũng có thể kể tới ví dụ công thức luân canh: Đu đủ -> đỗ tương -> lúa nước -> đỗ tương. Công thức luân canh này  rất ít được áp dụng nhưng sẽ đạt hiệu quả tốt đa về cải tạo đất và hạn chế sâu bệnh tất nhiên cây  trồng chủ lực trong công thức là cây đu đủ.

Tham khảo: Giống đu đủ

Lại nói về yếu tố chủ lực thì trong công thức luân canh các bạn có thể áp dụng tiêu chí cây trồng chủ lực, tức là trong công thức có một loại cây chính và được ưu tiên hoàn toàn còn các cây còn lại được trồng chỉ với mục đích chuẩn bị điều kiện đất và sâu bệnh tốt nhất cho cây trồng chủ lực phát triển. Chẳng hạn như là cây trồng chủ lực là khoai lang thì chúng ta có thể áp dụng công thức sau:

Lúa nước -> Đậu tương -> Khoai lang.

Việc trồng lúa nước sẽ loại bỏ toàn bộ bọ hà có trong đất làm cho khả năng xuất hiện bọ hà trên đồng ruộng là rất thấp và khi trồng khoai lang sẽ không bị bọ hà cũng như do đậu tương bổ xung dinh dưỡng đất nên năng xuất cũng sẽ tăng cao hơn.

  1. Luân canh phải chính xác

Sẽ thật khó nếu như khi đến thời vụ trồng cây trong công thức luân canh rồi mà vẫn chưa thu hoạch cây trồng liền trước trong công thức luân canh trên đồng ruộng. Do đó quan trọng nhất nhì trong công thức luân canh đó là chính xác yếu tố thời vụ. Tức là phải đưa vào công thức luân canh những loại cây trồng chính xác về yếu tố thời vụ và không được gối nhau, nhưng có thể cách nhau một khoảng để làm đất cũng được. Chẳng hạn như một cây trồng có thời gian thu hoạch vào tháng 5 và một loại cây trồng có thời gian trồng cũng chỉ trong tháng 5 thì phải hết sức cẩn thận vì rất dễ gặp trường hợp cây chưa thu hoạch mà đã phải trồng cây khác, chúng ta nên chọn loại cây thu hoạch vào tháng 5 và cây trồng vào đầu tháng 6 để còn có thời gian làm đất.

Ngoài ra thời vụ cây trồng còn có một số yếu tố có thể tác động tới do thời tiết hoặc do chăm sóc.

Nếu chăm sóc cây quá tốt thì thời vụ sẽ bị kéo dài ra và năng suất cây thường giảm. Nếu cây quá còi cọc thì năng suất cũng giảm nhưng thời vụ có thể dài ra hoặc ngắn lại tùy vào dinh dưỡng mà cây đã hấp thụ được.

Ngoài ra nếu nhiệt độ thấp cũng sẽ làm cho cây kéo dài thời gian sinh trưởng hơn. Vì thế nếu cây trải qua thời kì đầu có nhiệt độ thấp thì phải chăm lại cây ngay khi thời tiết ấm lên để đảm bảo thời vụ cho cây trồng tránh việc thời vụ cây bị dài ra.

  1. Một số công thức luân canh cây trồng hiệu quả

Một số công thức luân quanh được đưa ra làm ví dụ dưới đây đã được chứng minh là rất hiệu  quả trong canh tác thực nghiệm mang lại hiệu quả kinh tế rất cao và tiết kiệm chi phí. Nhiều nhà nông đã được thoát nghèo bằng việc áp dụng sáng sạo các công thức này.

Trên đất 2 lúa 1 màu: Lúa xuân - > lúa mùa ->  rau màu vụ 3.

Công thức này thường áp dụng ở miền bắc Việt Nam nơi có một mùa đông lạnh khô. Nhưng ở miền Nam cũng có thể áp dụng công thức này, căn làm sao vụ 3 nằm trọn vẹn trong mùa khô là được.

Cây trồng chủ lực trong công thức này có thể tính tới đó là cây vụ 3 vì thì cần lựa chọn cẩn thận loại cây sẽ trồng sao cho phù hợp với thời tiết và khí hậu.

Thông thường cây rau màu được lựa chọn thường có thể được kể tới như khoai lang, khoai tây, đỗ tương, cà rốt, các cây họ thập tự ngắn ngày ưa lạnh khác hoặc ở Miền Nam có thể kể tới các cây như ớt, khoai lang,… Nhìn chung đây là công thức dễ áp dụng và dễ sáng tạo đối với vùng trồng trọt có đặc tính là giữ nước vào đầu cho tới cuối mùa mưa và mua khô thì khô ráo.

Trên đất 1 lúa 2 màu: đây là loại đất canh tác có chân cao hơn đất 2 lúa 1 màu một chút, đất chỉ có thể trồng lúa vào thời điểm chính vụ mưa mới giữ được nước và thời gian còn lại thì khô hạn.

Công thức áp dụng cho vùng đất này đó là: Cây vụ xuân -> lúa mùa -> cây vụ thu đông. Đây là công thức ở miền bắc còn đối với ở miền nam sẽ có thể áp dụng công thức gộp cây vụ xuân với cây vụ đông thành một loại cây trồng từ sau khi kết thúc vụ lúa cho tới đầu vụ lúa sang năm cũng được (sáng tạo).

Ví dụ 1: lạc xuân -> lúa mùa -> khoai tây đông.

Ví dụ 2: Ớt thu -> lúa mùa -> ớt thu

Ngoài ra có một cây trồng thay cho ớt trong công thức 1 màu 1 lúa này đó là cây khoai sọ, cây này có thời gian sinh trưởng và thu hoạch khoảng 8 tháng do đó rất phù hợp với công thức này và hiệu quả kinh tế cũng rất cao.

Tham khảo: 

Giống ớt sừng cay

Giống ớt chuông không cay

Công thức trên đất chuyên màu (không ngập nước):

Trên đất này công thức thường rất đa dạng và phụ thuộc nhiều vào sở thích cũng như thị trường.

Có thể kể tới một số  công thức như là :

Lạc xuân -> dưa chuột  hè ->  Bí đỏ thu -> Xà lách đông.

Đỗ tương xuân -> Dưa lê hè -> lạc thu -> cà rốt đông.

Sẽ có rất nhiều biến thể của công thức này và sự hiệu quả sẽ phụ thuộc vào thị trường quyết định. Do đó cần tham khảo kỹ thị trường cũng như thời vụ và đặc tính cây trồng để đưa ra loại cây trồng phù hợp.

Hãy nhớ rằng luôn có rất nhiều loại cây trồng trong khả năng có thể áp dụng đối với mỗi công thức. Vì thế hãy nhớ rằng giống cây trồng phải mua ở nơi uy tín tránh trường hợp thiệt hại do giống gây ra.

 

Viết bình luận của bạn
Nội dung bài viết